THÔNG TIN NÓNG:

Phật Pháp là gì? Ý nghĩa của Pháp trong Phật giáo

Phật Pháp chính là những điều mà Đức Phật đã chứng kiến được trong quá trình giác ngộ và mang chỗ chứng kiến đấy đi nói lại cho mọi người đều biết để có thể dứt hết sạch được mê lầm và có thể giác ngộ được như Ngài.

  1. Phật Pháp là gì?

“Phật Pháp” (tiếng Phạn: Buddha Dharma – Pali: Buddha Dhamma) được hiểu là những lời giáo huấn của Phật (Phật giáo) được kết tập bởi các học trò của Ngài từ hơn 2500 năm trước. Một hệ thống triết lý sống dựa trên nền tảng trí tuệ và từ bi nhằm đưa con người hướng đến hạnh phúc bền vững và thoát khỏi khổ đau.

Đức Phật ra đời cách đây hơn 2500 năm tại vườn Lâm-tỳ-ni ở Ấn Độ cổ đại (Nepal ngày nay), là Hoàng tử của tộc Shakya và được gọi là Siddhartha Gautama (Tất Đạt Đa Cồ Đàm). Cha của ông, vua Tịnh Phạn mong muốn Siddartha trở thành vua và hưởng cuộc sống sung sướng trong hoàng cung.

Tuy nhiên, là một nhà hiền triết, ông suy nghiệm về cái chết, bệnh tật, phiền não khổ đau của dân chúng bên ngoài thành và có thể cả chính bản thân ông.

Ông đã quyết tâm đi tìm lời giải cho câu hỏi luôn thôi thúc trong đầu. Làm thế nào để thoát khỏi đau khổ, bệnh tật và cái chết! Sau 6 năm khổ hạnh và nhận ra đây là con đường sai lầm. Thái tử Tất Đạt Đa bắt đầu bình tĩnh và ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ đề để tìm ra giải pháp cho vấn đề của ông, và cũng là của tất cả mọi người.

Phật Pháp là gì?

Trong thời gian này, Tất Đạt Đa nhận ra bản chất của vạn vật, bản chất của sự tồn tại, làm thế nào để ra đời và làm thế nào để ngừng tái sinh. Kể từ đó ông được gọi là Phật Thích Ca. Đức Phật nói rằng mỗi người đều có thể tự mình nhận ra tất cả những điều mà Ngài đã nhận ra.

Ngài đề nghị mọi người tự tìm hiểu dựa trên những lời dạy của Ngài – rằng đây là cách duy nhất để tỉnh thức, bằng cách tự mình nhìn thấy sự thật. Ngài đã truyền dạy phương pháp của những gì mà Ngài đã thực hiện để mọi người có thể theo bước chân của Ngài và hiểu được bản chất thật của thế giới.

Kể từ đó, những lời dạy của Đức Phật được xem là Phật Pháp, một hệ thống thực hành có thể dẫn con người đến sự giác ngộ – nhận ra bản chất của vạn vật. Phật pháp giúp con người thoát khỏi đau khổ, sống hạnh phúc thông qua các thực hành tích cực và ngăn chặn vòng sinh tử luân hồi. Khi không còn tái sinh, do đó tránh được tuổi già, bệnh tật và cái chết.

Tóm lại, Phật Pháp có nghĩa là chân lý, sự thật hay quy luật tự nhiên, bản chất nguyên thủy của thế giới này. Nó hoạt động theo cách của riêng nó dù có hay không một vị Phật truyền dạy.

Tại sao gọi là “Phật Pháp”? Bởi vì những sự thật này được Đức Phật Thích Ca truyền dạy cho đời sau, khi Ngài giác ngộ và nhận ra chân lý. Lưu ý là Đức Phật NHẬN RA chứ không phải TẠO RA. Đó là lý do mà Ngài nói “49 năm qua Ta chưa hề nói một câu nào”. Bởi vì khi đạt Niết bàn thì “cái tôi” không còn nữa, chỉ có sự hợp nhất, không còn chủ thể và đối tượng.

Theo một góc nhìn khác, Từ “Phật” (Buddha) cũng đại diện cho chân lý, sự thật hay bản chất nguyên thủy của tất cả các sự vật hiện tượng trên cõi đời.

Những điều mà Ngài nói ra là từ các chứng kiến thực tế, không phải do suy tư hay phỏng đoán như nhiều truyền thuyết khác. Do đó Phật Pháp chính là các chân lý, tùy thuộc vào trình độ của mỗi người sẽ có cái thấu hiểu khác nhau. Phật chỉ ra rằng: Chân lý có phổ biến, Chân lý tương đối và Chân lý tuyệt đối.

Nhiều người chưa tin tưởng và tìm hiểu kỹ về Đạo Phật, họ thường phê bình Đạo Phật chính là bi quan yếm thế, là mê tín dị đoan. Thế nhưng Đạo Phật không phải vậy. Bởi Đức Phật chính là người đã giác ngộ. Đạo là phương pháp hoặc con đường, Phật ý chỉ giác ngộ. Đạo Phật có ý nghĩa là phương pháp giác ngộ.

Nếu đã là giác ngộ thì sẽ không có sự mê tín, mà một khi đã mê tín thì sẽ không thể giác ngộ. Những ai quan niệm Đạo Phật là mê tín thì đó là quan niệm sai lầm. Mê tín chính là do một số cá nhân họ đã làm sai, họ thường đi theo sự mê tín, còn về Đạo Phật chân chánh thì sẽ không mê tín.

Phật Pháp là gì?

Phật Pháp không phải là một sự mê tín bởi Đức Phật sau khi giác ngộ đã chứng kiến mọi sự thật thì mới đem lời nói đó kể lại cho chúng sanh. Điều này đồng nghĩa với việc các chứng kiến là nhìn thấy được, nhận được mà nói lên chứ không phải do nghe hay suy nghĩ mà nói. Đức Phật không suy luận rồi nói mà Ngài thấy được cái gì, nhận được cái gì thì mới nói. Mọi chứng kiến nói ra đều là sự thật, là một chân lý chứ không phải là các chuyện mơ hồ.

Trong những chân lý đó, tôi nêu lên ba chân lý:

  1. Chân lý phổ biến là chân lý trùm khắp hết.
  2. Chân lý tương đối có hai mặt: phải quấy, tối sáng v.v... luôn luôn đối đãi nhau.
  3. Chân lý tuyệt đối là cứu cánh.

Học Phật phải hiểu ba chân lý này.

Pháp là gì?

Pháp (Pāli: Dhamma, Sanskrit: Dharma) là một thuật ngữ quan trọng trong Phật giáo. Pháp có rất nhiều nghĩa, tùy theo từng ngữ cảnh mà mang ý nghĩa khác nhau.

Theo Phật Quang đại từ điển, Pháp có nghĩa là “Tất cả sự vật hữu hình gọi là sắc pháp, vô hình gọi là tâm pháp, có thể tánh gọi là hữu pháp, không thể tánh gọi là vô pháp. Các pháp sắc, tâm, hữu, vô gọi chung là Pháp giới”.

Theo Duy thức học, Pháp chỉ chung cho hết thảy mọi sự vật, mọi hiện tượng - cụ thể hay trừu tượng - có tự tính, có bản chất riêng biệt làm căn cứ, có khuôn mẫu khiến người ta nhìn vào là có thể nhận thức và lý giải được (Nhậm trì tự tính, quỹ sinh vật giải).

Tương tự, theo Phật học đại từ điển của Ðinh Phúc Bảo, Pháp có nghĩa “Tất cả những gì có đặc tính của nó - không khiến ta lầm với cái khác - có những khuôn khổ riêng của nó để nó làm phát sinh trong đầu óc ta một khái niệm về nó”.

Theo Từ điển Phật học Tuệ Quang, Từ điển Đạo uyển, Pháp có các nghĩa chính như:

- Luật lệ, tập quán, thói quen, tiêu chuẩn của phép cư xử, bổn phận, nghĩa vụ, quy củ trong xã hội…

- Điều lành, việc thiện, đức hạnh.

- Đối tượng của tâm ý (pháp trần).

- Giáo pháp của Đức Phật bao gồm Kinh-Luật-Luận.

- Chân lý, thực tại tối hậu, bản thể, tự tính.

Chữ Pháp trong hai đoạn kinh trên, “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được Pháp; ai thấy được Pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi” (Kinh Trung bộ, số 28, Ðại kinh Dụ dấu chân voi) và “Ai thấy Pháp, người ấy thấy Như Lai; ai thấy Như Lai, người ấy thấy Pháp” (Kinh Tương ưng bộ) không mang ý nghĩa Phật pháp hay giáo pháp (Tam tạng) mà chính là thực tại tối hậu.

Theo Thiền sư Viên Minh trong Thực tại hiện tiền: “Trong Phật giáo, cái thực chính là Pháp. Pāli là Dhamma, Sanskrit là Dharma, là Pháp được dùng để chỉ cái thực này. ‘Ai thấy Pháp tức là thấy Như Lai, ai thấy Như Lai tức thấy Pháp’. Chúng ta có thể nói một cách khác: ‘Ai thấy cái thực tức thấy Như Lai, ai thấy Như Lai tức thấy cái thực’. Pháp là sự thật, là chân lý, là thực tại hiện tiền, là cái đang là. Pháp đã được khai thị bởi Đức Thế Tôn là thực tại hiện tiền (thấy ngay lập tức), không có thời gian, hãy hồi đầu mà thấy, ngay trên đương xứ, mà mỗi người có thể tự mình chứng nghiệm”.

Số mệnh là gì? Con người có biết được Số mệnh không?

Pháp là gì?

Không làm các việc ác Vun bồi các hạnh lành Thanh lọc tâm ý

Đó là lời chư Phật dạy.

Như vậy, chỉ có ba điều rất đơn giản cần học, nhưng rất khó để thực hành.

Không làm việc ác nào: Có nghĩa là không làm điều xấu. Có người đôi lúc làm việc xấu, có người ít khi làm việc xấu, và cũng có người thường làm những việc xấu.

Vun bồi các hạnh lành: Đôi lúc chúng ta không muốn làm việc lành, không muốn vun bồi thiện tâm. Khi Đức Phật nói làm những việc lành, những điều tốt có nghĩa là phải thực hành hạnh bố thí, trì giới, và tham thiền.

Thanh lọc tâm ý: Tâm chúng ta luôn luôn bị ô nhiễm bởi những cấu uế, phiền não. Đức Phật luôn luôn dạy chúng ta phải thanh lọc tâm mình. Khi tâm đã được thanh tịnh trong sạch, sẽ kinh nghiệm được hạnh phúc tối thượng. Như vậy, nếu chúng ta có thể thực hành ba điều khuyên dạy này của Đức Phật thì chúng ta sẽ trở thành người hạnh phúc nhất thế gian.

Đức Phật không chỉ nói rằng chúng ta thanh  lọc tâm ý mình suông thôi, mà Ngài còn dạy chúng ta phải làm cách nào để thanh lọc tâm ý nữa. Đức Phật dạy chúng ta ba bước tuần tự thực hành để đạt được thanh tịnh tâm ý. Đó là Giới, Định, Huệ.

Bước đầu tiên là Giới (sīla). Giới trong sạch là căn bản cho mọi tiến bộ tâm linh. Giới trong sạch nghĩa là trong sạch thân và khẩu. Thân chúng ta không làm điều sai lầm, khẩu không nói điều sai lầm. Có nghĩa là thân thiền sinh không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu và các chất say; khẩu không nói dối, không nói lời đâm thọc, không nói lời nói dữ, không nói lời vô ích.

Bước thứ hai là Định (sāmadhi). Định là giữ tâm trong sạch. Giữ tâm trong sạch bằng  cách định tâm qua Thiền Định. Có nhiều đề mục thực hành Thiền Định.

Bước thứ ba là Huệ (pañña). Huệ hay Tuệ ở đây có nghĩa là hiểu biết bản chất của sự vật, thấy rõ thực tướng của Vật Chất và Tâm. Huệ ở đây cũng có nghĩa là trí tuệ thấy rõ Tứ Diệu Đế.

Bước thứ ba (Huệ) đặt căn bản trên bước thứ nhì (Định). Và bước thứ nhì (Định) đặt căn bản trên bước thứ nhất (Giới). Nếu muốn đạt được tầng mức cao nhất của sự tiến bộ tâm linh thì bạn phải tuần tự thực hành ba bước trên.

Không đạt được bước thứ nhất là giới tịnh (Giới) thì không thể đạt được bước thứ hai là tâm tịnh (Định).

Không đạt được bước thứ hai là tâm tịnh (Định) thì không thể đạt được bước thứ ba là trí tuệ (Huệ), thấy rõ bản chất thật sự của sự vật, và do đó không thể hiểu rõ được Tứ Diệu Đế.

Đức Phật đã cho chúng ta bản đồ chi tiết về con đường phát triển tâm linh. Những ai theo ba bước của bản đồ này chắc chắn sẽ đạt được mục đích tối hậu.

  1. Tất cả các Pháp đều là Phật Pháp có ý nghĩa như thế nào?

Thông thường mọi người luôn hiểu về Phật Pháp chính là lời dạy của Đức Phật hay là những lời giảng của các Thầy mà nhiều người không ngờ tới rằng mọi việc xảy ra ở xung quanh bản thân đều chính là Pháp của Phật. Hay có nghĩa tất cả các Pháp đều là Phật Pháp. Ý muốn nói những ý nghĩa sâu sắc nhất của Phật giáo chỉ có những ai đã học và có nền tảng vững chắc về Phật Pháp thì mới có khả năng nhận thức được về toàn bộ ý nghĩa sâu xa của câu nói này.

Tất cả các Pháp đều là Phật Pháp có ý nghĩa như thế nào?

Một người nếu đã có sự thâm nhập một cách sâu sắc vào Phật Pháp thì bất kỳ ở chỗ nào, nơi nào, bất cứ thời gian nào thì họ vẫn đem tâm Phật Pháp vào nhìn nhận và đánh giá vấn đề. Đây cũng là lý do khiến cho tất cả mọi việc đều trở thành Phật Pháp.

Với những người có am hiểu về nguyên lý chung của Phật Pháp đều có khả năng vận dụng kỹ năng quan sát của mình vào mọi sự vật, sự việc đã xảy ra xung quanh. Ba pháp ấn của đạo Phật luôn được hiển bày đối với tất cả vạn vật trong vũ trụ.

Pháp ấn thứ nhất chính là “Muôn vật luôn biến đổi”. Điều này ý muốn nói về sự thật đầu tiên luôn phổ biến và bao trùm ở khắp mọi nơi. Khi hiểu được pháp ấn thứ nhất này thì dù có nhìn thấy bất kỳ thứ gì chúng ta cũng sẽ nhận ra được sự biến đổi vô thường của vạn vật.

Pháp ấn thứ hai là “Vạn pháp nương nhau thành”. Nếu vận dụng được pháp ấn này sẽ quan sát được cái này mượn vào cái khác để sống và nhờ vào cái này thì mới xuất hiện cái kia, cả hai cái đều gắn liền với nhau, không có cái nào tách riêng nhau mà có thể hình thành và tồn tại được. Phật Pháp luôn hiện hữu ở trong thân của chúng ta. Chẳng hạn như hiện tại mọi người đều đang thở, nếu đang thở thì sẽ ngừng sự sống. Tuy nhiên thở là đang vay mượn không khí nhằm duy trì mạng sống của mình. Có thể thấy nhờ vào hơi thở thì mới có được mạng sống. Như vậy ngay trong chính hơi thở của mỗi người đều có Phật Pháp.

Pháp ấn thứ ba là “Tĩnh lặng vui bậc nhất”. Điều này có nghĩa là mỗi người luôn sống một cuộc sống an vui vô cùng, hạnh phúc tuyệt đối. Tĩnh có nghĩa là tỉnh sáng, lặng có nghĩa là sự lặng lẽ. Một cái tâm tĩnh sáng lặng lẽ sẽ là một nơi an trú của những người tu theo đạo Phật. Khác với niềm vui nhẹ nhàng và thanh thoát của những người tu, niềm vui của thế gian được định nghĩa là niềm vui trong si mê loạn động. Dường như ban đầu sẽ cảm thấy rất vui nhưng nó sẽ đau khổ về sau với đầy bệnh hoạn, tang thương.

Khi đã nhìn thấy được bản chất thật sự của mọi vật, mọi việc nên mọi người dường như không còn muốn chạy theo ngũ dục lục trần. Tất cả đều muốn dừng tâm ở lại một chỗ nên mọi thứ dần được tĩnh lặng và trong sáng. Nếu có tâm sáng trong sẽ soi được vạn vật giống như khi nhìn vào một tấm lương. Nếu như không còn những mê lầm, tạo nghiệp và phiền não, đau khổ thì lúc này đã đạt được tới sự giác ngộ an vui. Niềm vui thường hàng của nội tâm, không phải là niềm vui của động loạn sinh diệt ở bên ngoài như trước kia. Đây cũng mới là niềm vui chân thật nhất của những người hành trì của Phật Pháp.

  1. Hành trì Phật Pháp là gì?

Trọng tâm của Phật Pháp đó chính là khắc phục các khuyết điểm và chứng ngộ về những tiềm năng tích cực. Những khuyết điểm có thể kể đến đó là thiếu đi sự sáng suốt và thiếu quân bình về mặt cảm xúc, và làm xuất hiện những mê lầm trong đời sống. Lúc này sẽ kéo theo sự hành động bốc đồng, không làm chủ được những khống chế phiền não chẳng hạn như sự sân si, hận giờn, tham lam và si mê. Còn đối với tiềm năng tích cực đó chính là khả năng truyền đạt về các ý tưởng rõ rệt, thấu hiểu được thực tại và biết cách đồng cảm với tha nhân và biết cách cải thiện bản thân mình.

Điểm xuất phát của hành trì Phật Pháp đó chính là sự tĩnh tâm và luôn giữ được chánh niệm. Điều này có nghĩa là mọi người luôn ghi nhớ và ý thức được về cách mà mình đang chuẩn bị hành động hay lời nói với những người xung quanh hoặc cách bạn đang suy nghĩ ra sao nếu chỉ có một mình.

Khi đó chúng ta chỉ là quan sát về các hành động này và để yên cho chúng diễn ra như vậy. Nếu đã chánh niệm sẽ giúp ta phân biệt được đâu là tích cực và đâu là tiêu cực. Nó không phải là điều khiến bản thân bận tâm mà chính là sự quan tâm và cởi mở với người khác nhiều hơn.

Mục tiêu quan trọng nhất của việc quán xuyến được nội tâm và có ý thức tự giác là giúp truy tìm ra những nguyên nhân xảy ra vấn đề. Chắc chắn sẽ có những yếu tố ở bên ngoài hay người xung quanh góp phần vào việc tạo ra sự khó khăn cho mình.

Với cách tiếp cận của Đạo Phật sẽ là nỗ lực giúp nhận diện về các nguyên nhân sâu xa hơn và để có thể thực hiện được điều này thì mỗi người cần phải xem xét về tâm mình. Cần tập khí tinh thần và các cảm xúc tiêu cực, tích cực đều sẽ có những ảnh hưởng tới những trải nghiệm trong cuộc đời.

Chẳng hạn với những ai bị căng thẳng mệt mỏi vì công việc, rơi vào trạng thái lo âu, cô đơn và sự bất an thì vấn đề được bắt nguồn bởi trạng thái tinh thần và cảm xúc của chính bản thân mà khiến mỗi người không thể đương đầu được với chúng. Cách tốt nhất để đối diện được với mọi thử thách đó chính là luôn sống tĩnh tâm và tạo ra sự bình đẳng về cảm xúc để giúp trí óc luôn sáng suốt.

Dịch virus Corona - Làm việc tại nhà – Giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp thời điểm dịch virus Corona bùng phát?

Khi đã có chánh niệm về mọi cảm xúc, thái độ và hành động tạo ra sự căng thẳng và khó khăn thì lúc này có thể áp dụng phương pháp đối trị. Để phát triển được về cảm xúc cần giữ chánh niệm về ba điều đó là ghi nhớ các pháp đối trị phiền não và trường hợp cần thiết thì áp dụng chúng và nhớ duy trì chúng. Để ghi nhớ được hết các pháp đối trị mỗi người cần:

  • Học hỏi về pháp đối trị.
  • Tư duy về pháp đối trị cho tới khi nào có thể thấu hiểu được đúng đắn nhất và biết cách áp dụng và có niềm tin vào sự hữu hiệu của chúng.
  • Thực hành và áp dụng pháp đối trị vào thời thiền để có thể làm quen được với nó.
Hành trì Phật Pháp là gì?

Nỗ lực để giúp mang tới sự lành mạnh về mặt cảm xúc cũng sẽ phải trải qua quá trình dài và có sự tin tưởng, tìm hiểu, thực hành. Khi ta đã nếm được sự hạnh phúc từ thực hành chánh niệm thì rất dễ cho việc phát triển về động lực và có sự thích thú để học hỏi về hành trì Phật Pháp, cải thiện phẩm chất của cuộc sống, giúp đỡ mọi người nhiều hơn.

Đức Phật cũng phải trải qua một thời như mỗi người bình thường, phải trải qua nhiều gian nan như chúng ta và Ngài cũng muốn được cải thiện về cuộc đời mình và cuộc đời của mọi người xung quanh. Nhờ vào sự tỉnh giác mà ngài đã ngộ ra những điều xảy ra xung quanh luôn tồn tại sức mạnh, khả năng giữ bình tĩnh, chánh niệm và có thể khống chế được cảm xúc của mình.

  1. Ý nghĩa “Pháp” trong Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo Đại Thừa

Ý nghĩa “Pháp” trong Phật giáo Nguyên Thủy

Trong các bản văn của Phật giáo Nguyên Thủy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhận ra rằng, Pháp luôn luôn hiện diện dù có hay không có một vị Phật truyền dạy hay một Tăng đoàn để thực hành nó. Pháp theo nghĩa này là nền tảng của thực tại – bản chất nguyên sơ của cuộc sống và thế giới.

Mục đích của tất cả các Phật tử là khám phá ra “bản chất thật” này, như nó thật sự là – không chỉ để thoáng qua nó, mà còn có thể nghỉ ngơi, xác định với nó, và quên đi bất kỳ “cái tôi” nào khác mà chúng ta có thể tưởng tượng.

Với nhận thức như vậy, chúng ta thấy rằng, chúng ta không tách biệt với mọi thứ khác, không có sinh – không có diệt, không có khởi đầu – không có kết thúc…Chúng ta là một phần của Pháp, chúng ta yêu thương mọi thứ là chúng ta yêu thương chúng ta, chúng ta làm hại mọi thứ là chúng ta đang hại chính mình. Chúng ta cần một tình yêu phổ quát.

Nhà sư và học giả Nguyên Thủy Walpola Rahula đã viết:

    Không có thuật ngữ nào trong Phật giáo rộng hơn Pháp. Nó không chỉ bao gồm những thứ hay các trạng thái có điều kiện mà còn là Niết bàn, tuyệt đối không có điều kiện. Không có gì trong vũ trụ hay bên ngoài, tốt hay xấu, có điều kiện hoặc không có điều kiện, tương đối hoặc tuyệt đối, nằm ngoài thuật ngữ này.

Pháp là bản chất tự nhiên của vạn vật – sự thật về những gì Đức Phật dạy. Trong Phật giáo Nguyên Thủy, như trong đoạn trích dẫn ở trên, đôi khi nó được sử dụng để chỉ tất cả các yếu tố của sự tồn tại.

Tỳ kheo Thanissaro viết rằng: “Phật Pháp, ở mức độ bên ngoài đề cập đến con đường tu tập mà Đức Phật đã dạy cho những người theo Ngài.”

Phật Pháp có 3 tầng lớp ý nghĩa: Những lời dạy của Đức Phật, việc thực hành giáo lý của Ngài, và đạt đến sự giác ngộ. Vì vậy, Pháp không chỉ là giáo lý mà đó còn là việc giảng dạy cộng với thực hành và sự khai sáng.

Nhà sư Buddhadasa Bhikkhu vào lúc cuối đời đã dạy rằng: Từ Pháp (dhamma) có 4 nghĩa: Giáo pháp kết hợp thế giới hiện tượng như nó là; các quy luật tự nhiên; các nhiệm vụ được thực hiện theo quy luật tự nhiên; và kết quả của việc thực hiện các nghĩa vụ đó. Điều này phù hợp với ý nghĩa của Pháp trong Vệ Đà.

Buddhadasa cũng nói về 6 đặc tính của Pháp:

    Thứ nhất, nó đã được Đức Phật giảng dạy một cách toàn diện.

    Thứ hai, tất cả chúng ta đều có thể nhận ra Pháp thông qua nỗ lực của mình.

    Thứ ba, nó là vô tận và hiện diện ngay lập tức trong mọi thời điểm.

    Thứ tư, nó có tính mở để kiểm tra và không phải được chấp nhận dựa trên đức tin.

    Thứ năm, nó cho phép chúng ta nhập Niết bàn.

    Và thứ sáu, nó chỉ được biết đến thông qua cái nhìn sâu sắc của mỗi cá nhân.

Ý nghĩa “Pháp” trong Phật giáo Đại Thừa

Đạo Phật Đại Thừa thường dùng từ Pháp để chỉ cả giáo lý của Đức Phật và việc thực hiện chứng ngộ, sử dụng kết hợp cả hai ý nghĩa cùng một lúc.

Để nói về sự hiểu biết của một người nào đó về Phật Pháp, không phải là đánh giá về việc người đó có thể thuộc lòng các giáo lý Phật giáo hay không, mà là về trạng thái chứng ngộ của họ.

Các học giả Đại Thừa thời kỳ đầu đã phát triển phép ẩn dụ về “Ba Lần Chuyển Bánh Xe Pháp” để đề cập đến ba khám phá của giáo lý.

Theo phép ẩn dụ này, sự biến đổi đầu tiên xảy ra khi Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên là Tứ diệu đế. Biến đổi thứ hai đề cập đến sự hoàn hảo của trí tuệ, hay Tánh không (sunyata). Thứ ba đề cập đến sự phát triển của học thuyết Phật tính như là sự thống nhất cơ bản của sự tồn tại, lan tràn khắp nơi.

Các kinh điển Đại Thừa đôi khi dùng từ Pháp có ý nghĩa như “sự biểu hiện của thực tại.” Một bản dịch theo nghĩa đen của Tâm Kinh có chứa dòng “Ôi, Sariputra, tất cả Pháp đều trống rỗng” (iha Sariputra Sarva Dharma sunyata). Về cơ bản, điều này nói rằng tất cả các hiện tượng (Pháp) đều trống rỗng (sunyata) về bản chất.

Bạn cũng có thể bắt gặp cách sử dụng này trong kinh Pháp Hoa.

    Tôi thấy Bồ tát, Người đã nhận thức được tính chất thiết yếu của tất cả các Pháp đều không có tính nhị nguyên, giống như không gian trống rỗng.

Ở đây, “tất cả các Pháp” có nghĩa là một cái gì đó giống như “tất cả hiện tượng trên toàn vũ trụ”.

  1. Pháp thân là gì?

Cả Nguyên Thủy và Đại Thừa đều nói về “Pháp thân” (dhammakaya hoặc dharmakaya). Đây cũng được gọi là “cơ thể thật sự”.

Rất đơn giản, trong Phật giáo Nguyên Thủy, một vị Phật (một bậc giác ngộ) được hiểu là hiện thân sống động của Pháp. Điều này không có nghĩa là thân thể vật chất của Ðức Phật (thân-tâm) cũng giống như Pháp. Đó là một chút gần gũi để nói rằng Pháp trở nên rõ ràng hoặc hữu hình trong cơ thể một vị Phật.

Trong Phật giáo Đại Thừa, Pháp thân là một trong ba loại thân của vị Phật (Tam thân – Trikaya). Pháp thân là sự hiệp nhất của tất cả sự vật hiện tượng, hữu hình hay vô hình, ngoài sự tồn tại hay không tồn tại.

Tóm lại, từ Pháp gần như không thể định nghĩa được. Nhưng trong phạm vi có thể được định nghĩa, chúng ta có thể gọi Pháp là một thuật ngữ để chỉ bản chất thiết yếu của thực tại, cũng như những lời dạy và thực hành cho phép nhận ra bản chất thiết yếu đó.

Pháp thân là gì?
  1. Làm thế nào để thấu hiểu được Phật Pháp?

Để thấu hiểu và nghe Phật Pháp các Phật tử cần thực hiện được theo 4 pháp này.

  • Thân cận thiện tri thức: Có nghĩa là thân mật, gần gũi với những người tốt lành. Nghe tiếng đức hạnh được gọi là tri, thấy hình dung cung kính được gọi là thức. Với những người sa cơ và muốn thu thành tựu đạo quả cần phải gần thiện tri thức. Cần nương vào các bậc thiện tri thức để được dạy bảo.
  • Tín tâm nghe pháp: Luôn có một niềm tin bất họa đối với diệu lý từ pháp. Tâm không khởi lên sự nghi ngờ hoặc do dự đối với đạo lý giải thoát của Đức Phật.
  • Chánh niệm tư duy: Trong khi nghe Phật Pháp cần phải chuyên tâm và chú ý để khéo léo và tư duy theo lời dạy đó.
  • Như thật tu tập: Khi đã lắng nghe Phật Pháp, chánh niệm tư duy như pháp để tu hành. Đây sẽ là tiến trình kết hợp từ tam huệ gồm văn - tư - tu huệ để có các thành tựu trọn vẹn ý nghĩa của sự tu tập thánh đạo giải thoát.

Hy vọng bài viết Phật Pháp là gì? Ý nghĩa của Pháp trong Phật giáogiúp bạn hiểu hơn về Phật pháp. Mọi thông tin chỉ giúp bạn tham khảo.

EQ là gì? Chỉ số EQ bao nhiêu là cao? Bao nhiêu là thấp

TAGS
Scroll To Top